Chồng tôi thất nghiệp, nửa năm nay không làm ra tiền, không đóng góp chi tiêu cho gia đình. Nhưng đến Tết, anh lại đòi biếu bố mẹ 20 triệu đồng khiến tôi nóng mặt.
Tết đang đến gần, không khí nhộn nhịp khắp nơi khiến tôi càng thêm áp lực. Với nhiều gia đình, Tết là dịp sum vầy, đong đầy niềm vui. Nhưng với tôi, đó chỉ là chuỗi ngày mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Nguyên nhân nằm ở chồng tôi – người thất nghiệp gần nửa năm nay nhưng vẫn sĩ diện không đúng lúc.
Hôm qua, khi tôi nhận được khoản thưởng Tết vỏn vẹn 20 triệu đồng, chồng thản nhiên bảo: “Tết năm nay, em đưa bố mẹ anh 20 triệu đồng để tiêu Tết, cho ông bà mát mặt với họ hàng. Bà mới sắm bộ ghế sofa nên cố gắng đưa ông bà nhiều hơn, không lại mang tiếng con cái không nói năng gì”.
Nghe anh nói mà tôi sững người. Tôi cười nhạt hỏi lại: “Vậy còn tiền ăn Tết, tiền sắm sửa, tiền học của con, tiền nhà cửa thì sao?”. Chồng không thèm đếm xỉa, chỉ nhấn mạnh: “Biếu bố mẹ là trách nhiệm, không thể thiếu. Nhà khác người ta còn biếu nhiều hơn. Em đừng tính toán, ki bo với nhà chồng”.
Chồng tôi thất nghiệp còn muốn ra oai với nhà nội (Ảnh minh họa: Pexels).
Tôi thực sự không biết phải phản ứng thế nào. 6 tháng qua, tôi một mình gồng gánh cả gia đình. Chồng tôi thất nghiệp nhưng không chịu đi tìm việc. Anh cứ mãi nói về những kế hoạch làm ăn xa vời, nhưng chẳng hề có hành động nào cụ thể.
Trong khi đó, tôi phải cáng đáng từ tiền ăn uống, tiền học của con, tiền điện nước đến đủ các loại chi phí. Những lúc khó khăn nhất, tôi không nghe được một lời chia sẻ, động viên từ anh, chứ đừng nói là sự giúp đỡ.
Tôi không phủ nhận, biếu Tết nhà nội là việc nên làm. Nhưng trong tình cảnh hiện tại, khi thu nhập chỉ còn phụ thuộc vào một mình tôi, liệu yêu cầu của anh có quá đáng không?
Tôi nói biếu bố mẹ hai bên mỗi nhà 5 triệu đồng. Hoặc chỉ biếu bố mẹ chồng, bố mẹ tôi, tôi có thể nói nhưng anh không đồng ý. Anh nhất quyết phải biếu 20 triệu đồng với tinh thần “năm nay phải biếu nhiều hơn, chứ còn ít hơn hẳn năm ngoái thì nói làm gì”.
20 triệu đồng đối với một người phụ nữ đang kiệt quệ cả về tài chính lẫn tinh thần như tôi là con số rất lớn. Thế nhưng, thay vì thấu hiểu, anh lại phán xét rằng tôi “ki bo” và “không biết nghĩ cho nhà chồng”.
Còn nhớ năm ngoái, khi anh vẫn có việc làm, tôi đâu tiếc tay biếu bố mẹ chồng số tiền tương tự. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Tôi chỉ muốn dùng khoản tiền thưởng ít ỏi này để lo cho con, để gia đình có một cái Tết đủ đầy hơn. Vậy mà thay vì chia sẻ gánh nặng, anh lại áp đặt trách nhiệm lên vai tôi, không chút suy nghĩ.
Điều khiến tôi đau lòng hơn cả là thái độ của anh. Lẽ ra, anh nên tự mình cố gắng, tìm cách vực dậy gia đình trong thời gian khó khăn này. Nhưng anh lại chọn cách trốn tránh, đẩy hết trách nhiệm lên tôi, rồi dùng sĩ diện làm vũ khí để ép tôi làm những điều mình không muốn. Sự vô tâm của anh khiến tôi cảm thấy mình đang sống một cuộc hôn nhân đơn độc.
Tôi không biết mình có thể tiếp tục chịu đựng được bao lâu. Một cuộc hôn nhân chỉ tồn tại khi cả hai cùng nhau xây dựng.
Nhưng nếu một người cứ mãi dựa dẫm và đòi hỏi, còn người kia phải gánh vác tất cả thì sự cân bằng sớm muộn cũng sẽ mất. Và khi đó, liệu Tết có còn là dịp vui vẻ, hay chỉ là gánh nặng thêm đè nặng lên đôi vai vốn đã quá mệt mỏi của tôi?