Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ vừa có thông báo chính thức về “trường hợp Thích Minh Tuệ”. Theo đó, cả hai văn bản đều khẳng định rằng người được cộng đồng gọi là Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hai văn bản cũng cung cấp một số thông tin về nhân thân của người đang được nói đến. Cả hai văn bản đều nêu yêu cầu không được ngộ nhận hoặc lợi dụng sự kiện này để làm ảnh hưởng đến các vấn đề tôn giáo và xã hội nói chung.
Là một Phật tử, theo dõi hành trình và gần như xem hầu hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những thông tin và cách trình bày, cũng như lập luận có thể gây hiểu lầm. Ví dụ, một câu trong văn bản: “Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Đầu tiên phải nói rằng, ông Minh Tuệ chỉ đi xin ăn với tư cách một người dân đang đi tu “theo lời Phật dạy” chứ không phải với tư cách một tu sĩ thuộc Giáo hội, còn việc cho hay không là quyền của mọi người. Ông Minh Tuệ cũng chỉ nhận đủ đồ ăn trong một bữa [trước ngọ] và nhận nước uống, ngoài ra không nhận thêm bất cứ tài vật gì khác. Nhưng văn bản của Giáo hội lại không nói rõ là khi người dân “cúng dàng” thì ông Minh Tuệ có nhận hay không; thành ra, cách nói “một nửa” này có thể gây nên sự hiểu lầm lớn.
Văn bản này cũng ba lần nhắc đến việc “ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, nhưng cách trình bày lại cho thấy một logic rằng chính ông Minh Tuệ là người đã gây ra sự “ảnh hưởng” đó. Từ chuyện “đi bộ” đến việc “người dân cúng dàng” rồi đến sự ra đời của các “hình ảnh, clip” và cuối cùng là “gây ra dư luận trái chiều”, trong cái chuỗi này đâu là lỗi của ông Minh Tuệ? Phải thấy rằng, việc ông Minh Tuệ tu theo pháp Phật là quyền tự do tôn giáo của một công dân, còn nếu có những vấn đề khác như các “bình luận trái chiều” về Giáo hội và tu sĩ thuộc Giáo hội thì đó thuộc trách nhiệm của những người bình luận, không thể quy trách nhiệm này cho ông Minh Tuệ được. Nếu có người lợi dụng hình ảnh ông Minh Tuệ để “xúc phạm, xuyên tạc” về Giáo hội và Tăng Ni Phật tử của Giáo hội thì có nghĩa là đang có hai đối tượng bị tổn hại: là Giáo hội và chính ông Minh Tuệ. Vì thế, Giáo hội trong khi bảo vệ chính mình, thì cũng nên bảo vệ một người dân đang nỗ lực tu theo tôn giáo của mình, chứ không phải là đổ lỗi cho người ấy.
Riêng trong công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ thì có những “đề nghị” rất đáng chú ý mà tôi cho rằng có sự bảo đảm cho những chuẩn mực và một tinh thần tích cực. Đó là đề nghị đối với Ban/Phòng Tôn giáo các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, như: “Tham mưu Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm, khi ông Minh Tuệ tới địa bàn không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu, lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật”. Trước tình hình tập trung ngày càng đông người trên quốc lộ, đây là một chỉ đạo hợp lý, kịp thời, nhằm ngăn ngừa những tai nạn hoặc những vấn đề liên quan đến pháp luật nói chung.
Văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ còn đề nghị: “Hướng dẫn tăng ni, phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật”. Đồng thời “Thông tin, tuyên truyền để quần chúng nhân dân, tăng ni, phật tử và nhân dân hiểu về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, về cách thức hành trì của Phật giáo, không cản trở, làm ảnh hưởng việc tu học đúng chính pháp; vận động chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân không tập trung đông người nơi công cộng, gây cản trở, ách tắc giao thông và an toàn trật tự trên địa bàn”. Qua đây, thấy được trách nhiệm và tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng của Ban Tôn giáo Chính phủ: một mặt chú ý đến các vấn đề quản lý xã hội trong khuôn khổ pháp luật, mặt khác nhấn mạnh về việc bảo đảm quyền tự do hành trì của người tu.
Qua văn bản này của Ban Tôn giáo Chính phủ, là một Phật tử, chúng tôi nghĩ rằng, các địa phương cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không để việc tụ tập đông người làm ảnh hưởng xấu đến người tu. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan báo chí nên tích cực hơn trong việc thông tin, tuyên truyền và phổ biến về chính pháp của Đức Phật để người dân hiểu hơn và có ý thức tự giác hơn trong việc thực hành tu tập của cá nhân, không cần thiết phải đi theo một người rồi tạo thành đám đông gây ảnh hưởng đến giao thông.
Chúng tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan báo chí và ban ngành chức năng nên tranh thủ hình ảnh một công dân đang thực hành Phật pháp một cách kiên trì và đã trở thành hình ảnh đẹp về người Phật tử như ông Minh Tuệ, để tuyên truyền cho đông đảo người dân về sự hướng thiện, biết sống có lý tưởng, biết theo đuổi các giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc.
Cũng nên tranh thủ hình ảnh ông Minh Tuệ để nhắc nhở và cảnh báo những người mượn danh Phật nhưng đã không làm theo lời Phật dạy, có những việc làm và phát ngôn gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến làm ảnh hưởng xấu cho Giáo hội và Phật giáo nói chung.
Nhân công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ, là một Phật tử, tôi cũng mong muốn rằng, mỗi người dân, nếu vì sự ngưỡng mộ một người tu hành nào đó, thì nên tôn trọng sự riêng tư của họ, tránh quấy rầy và làm ảnh hưởng xấu đến sự thực tập mà họ đang thực hiện. Đồng thời, tránh đi theo rồi tạo thành một đoàn người đông đúc làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các vấn đề xã hội khác.
Việc tu cũng như ăn cơm uống nước, ai ăn người ấy no, ai uống người ấy hết khát, không ai ăn thay uống thay cho ai được.
Phật tử Đức Thuận
Vì thế, tôi cũng mong muốn rằng, mỗi người nếu vì lòng kính trọng đối với một người đang thực hành theo chính pháp của Phật thì điều ý nghĩa nhất là học tập những phẩm chất của người ấy để hoàn thiện bản thân, hơn là việc “đi theo”, nhất là trong tình hình giao thông phức tạp như hiện nay.